Phong trào học sinh, sinh viên và tổ chức Hội sinh viên Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã có những cống hiến xuất sắc và trưởng thành vượt bậc qua các thời kỳ lịch sử cách mạng, là niềm tự hào của thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay.
Trong những năm 1949 – 1950, phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên các đô thị diễn ra liên tục, rầm rộ và rộng khắp, tiêu biểu nhất là ở Sài Gòn – Gia Định. Ngày 09/01/1950, Đoàn thanh niên Cứu Quốc và Đoàn học sinh, sinh viên Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn đã tổ chức vận động trên 10.000 nhân dân, trong đó đông đảo nhất là học sinh, sinh viên xuống đường. Trần Văn Ơn – người thanh niên tiêu biểu cho lòng yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của học sinh, sinh viên, sau khi đã dũng cảm hứng chịu những xô đẩy và dùi cui để che chở cho các em học sinh nhỏ tuổi hơn, anh đã bị trúng đạn. Anh hy sinh vào lúc 15 giờ 30 phút chiều ngày 09/01/1950 khi chưa tròn 19 tuổi. Cái chết của anh đã gây tiếng vang lớn, có tác động rộng khắp trong phong trào đấu tranh của dân chúng Sài Gòn sau đó. Trong Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2 năm 1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 09/01 hàng năm là Ngày truyền thống học sinh – sinh viên.
Tiếp nối truyền thống anh hùng vẻ vang của Đồng chí Trần Văn Ơn, trong thời gian qua tuổi trẻ cả nước đã không ngừng cố gắng và phát động rộng rãi trong sinh viên các phong trào “Học tập, rèn luyện”, “phong trào sinh viên tình nguyện”, “sinh viên 5 tốt”, “sinh viên với biển đảo”, “sinh viên khởi nghiệp”… Qua đó hoàn thiện và phát triển toàn diện cho sinh viên và xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình trong học tập, nghiên cứu khoa học, sáng tạo trẻ, tình nguyện xã hội góp phần xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam vững mạnh.
Nguồn: Tổng hợp